Nếp tan Mường Và là giống lúa truyền thống được bà con dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp (Sơn La) gieo trồng từ lâu, qua thời gian giống lúa vẫn giữ nguyên được giá trị với hương vị dẻo, thơm tự nhiên. Từ ngàn xưa, gạo nếp tan đã được người dân sử dụng làm nguyên liệu để chế biến thành các món ăn thường nhật. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, gạo còn được sử dụng làm quà để dâng lên tổ tiên. Trước đây, lúa nếp tan chủ yếu được người dân trồng để phục vụ mục đích của gia đình, để ăn và làm quà biếu khách. Ngày nay, lúa nếp tan Mường Và đã trở thành đặc sản của huyện Sốp Cộp với chất lượng hạt to, thơm, dẻo và là thương hiệu được nhiều người biết đến.

Nếp Tan Mường Và nổi tiếng vì hương vị đậm đà và độ dẻo thơm đặc trưng của nó. Những ai đã từng thưởng thức nắm xôi làm từ loại nếp này dù chỉ một lần cũng sẽ nhớ cả đời về vị thơm ngon khó cưỡng của nó. Giống lúa nếp Tan được bà con dân tộc Thái ở Mường Và lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhà nào cũng có từ 1 đến 2 sào ruộng để trồng với nhiều loại giống như Tan Nhe, Tan Hin, Tan Lo. Trong đó, chủ yếu là giống nếp Tan Nhe, Tan Hin. Đặc biệt, trong lễ hội Khẩu hó và Xên mường - 2 lễ hội lớn của đồng bào vùng này, không thể thiếu những mâm xôi nếp Tan.

Gạo nếp tan tại Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương nổi danh là loại gạo ngon có tiếng trong vùng. Tại HTX, quy trình trồng nếp tan được chăm chút rất kỹ càng. Để giống nếp tan cho năng suất cao, đất trồng lúa phải được cày, bừa kỹ; mạ cấy thưa vì giống nếp tan cây cao và đẻ nhánh nhiều. Dùng phân NPK bón lót, bón thúc đầy đủ cho cây. HTX bắt đầu gieo mạ từ cuối tháng 4, cấy vào tháng 6, 7 vì tuổi mạ giống lúa này kéo dài hơn một tháng (bình quân khoảng 40 đến 45 ngày). Bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11. Vụ mùa thu hoạch lúa nếp tan sẽ là vụ có những hạt gạo nếp tan ngon nhất và dẻo nhất.

Gạo nếp tan Mường Và

Gạo nếp tan Mường Và tại HTX Nam Phương có hạt to, mẩy, dài, khi đồ chín thành xôi hoặc nấu các món ăn có hương vị thơm, dẻo, ngon. Xôi nếp tan có thể để cả ngày cơm không cứng ăn vẫn dẻo thơm. Trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp, gạo nếp tan là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, được chế biến thành nhiều món ngon nổi tiếng.

Nhờ trồng lúa nếp tan đời sống các hộ dân trong HTX được nâng cao, với giá bán 3,5- 4 triệu/sào nhiều gia đình đổi đời. Riêng HTX Nam Phương năm vừa qua đã xuất 100 tấn lúa nếp tan, với giá 1,2 triệu đồng/tấn. Thị trường sản phẩm rộng lớn từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh…

Gạo nếp tan Mường Và 1

Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, HTX Nông nghiệp Nam Phượng đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa nếp tan Mường Và – Sốp Cộp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.